Hiện nay, tổng đàn gia súc của xã có hơn 2.800 con, nhiều nhất là lợn 1.500 con, gần 800 dê, còn lại là trâu bò. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Xã lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, tiêu biểu như Dự án nuôi bò trả bê của Ngân hàng Công thương Việt Nam, xã được hỗ trợ 24 con bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách vay luân chuyển; từ nguồn vốn chương trình 135 có 50 hộ được hỗ trợ lợn giống, chương trình xây dựng nông thôn mới xã được hỗ trợ hơn 500 triệu đồng phát triển mô hình liên kết chăn nuôi trâu vỗ béo.
Anh Trần Trung Kiên (bên trái), thôn Khuân Nhất, xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) chăm sóc bò của gia đình.
Gia đình anh Trần Trung Kiên, thôn Khuân Nhất là hộ nghèo trong thôn. Năm 2019 gia đình anh được hỗ trợ 1 con bò sinh sản theo chương trình vay bò trả bê do Ngân hàng Công thương Việt Nam hỗ trợ với kỳ hạn 4 năm. Anh Kiên nói, sau khi nhận bò, gia đình được cán bộ dự án hướng dẫn chăm sóc, trồng cỏ, tiêm phòng bệnh nên bò phát triển tốt. Hiện nay, bò đã được lấy giống, dự kiến trong năm nay sẽ sinh bê con. Đây là hướng để gia đình anh vươn lên thoát nghèo.
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nhân Lý đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa với số lượng lớn, nhờ vậy nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Năm 2019, gia đình chị Hoàng Thị Nhiêu, thôn Ba Hai cùng 7 hộ dân khác trong xã ký hợp đồng liên kết chăn nuôi trâu vỗ béo với HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn). Chị Nhiêu cho biết, gia đình mua 3 con trâu đực của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành với giá gần 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình chị được hỗ trợ 70% vốn mua trâu ban đầu. Chị được HTX hướng dẫn nuôi vỗ béo theo hướng an toàn sinh học và cam kết thu mua lại trâu theo giá thị trường. Sau 3 tháng nuôi, trâu phát triển tốt, trung bình mỗi con gia đình lãi gần 10 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhân Lý cho biết, để phát triển chăn nuôi bền vững, xã khuyến khích người dân trồng cây vụ 3 làm thức ăn cho đàn gia súc. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua các tổ chức đoàn thể của xã đạt hơn 13 tỷ đồng; dư mới trong thời gian tới.